Chuyên gia: Hà Nội không dễ cấm xe máy trong 14 năm tới
Hà Nội muốn cấm xe máy trong 14 năm tới, tuy nhiên chuyên gia giao thông lo ngại phương tiện công cộng ở thủ đô đến lúc đó mới đáp ứng được 20-25%, nên mục tiêu này không khả thi.
Hà Nội có 14 năm chuẩn bị trước khi cấm xe máy
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải vừa cho biết, dự thảo đề án quản lý phương tiện cá nhân ở thủ đô dự kiến đến 2025 cấm xe máy các quận nội thành, nhưng do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được, có khả năng lùi đến 2030.
"Từ nay đến đó, người dân có khoảng 14 năm để chuẩn bị, thành phố cũng hoàn thiện được hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng”, ông Hải nói.
Theo Bí thư Hà Nội, việc thực hiện cấm xe máy sẽ có lộ trình để người dân có thời gian chuẩn bị. Với ôtô, cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu quản lý bằng cách quy định cho lưu thông theo “ngày chẵn, ngày lẻ”, không được thoải mái chạy như lâu nay. Người dân có quyền quyết định thời điểm cụ thể trong tương lai sử dụng phương tiện công cộng hay đi ôtô cá nhân.
Nhiều tuyến đường ở thủ đô thường xuyên ùn tắc. Ảnh: Ngọc Thành
Giải thích thêm về thông tin trên, ông Lê Đỗ Mười (Viện phó Chiến lược và Phát triển giao thông, đơn vị tư vấn đề án) cho biết, trước đây cơ quan soạn thảo dự kiến áp dụng hạn chế xe máy từ năm 2025, song sau khi lấy ý kiến và nghiên cứu thì thấy rằng việc áp dụng từ năm 2030 sẽ phù hợp với tốc độ phát triển hạ tầng giao thông của thủ đô. Thành phố cần có thêm thời gian để xây dựng các tuyến tàu điện, tăng xe buýt để phương tiện công cộng đáp ứng phần lớn nhu cầu đi lại, cùng với đó người dân có thêm thời gian chuẩn bị để từ bỏ xe cá nhân.
Theo ông Mười, việc hạn chế xe máy, ôtô chỉ áp dụng ở nội thành từ vành đai 3 trở vào, phương tiện xe cá nhân ngoại tỉnh cũng phải tuân theo quy định như phương tiện đăng ký ở Hà Nội.
TS Đinh Thị Thanh Bình (Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng, thời điểm hạn chế xe cá nhân phụ thuộc vào điều kiện hạ tầng giao thông công cộng của thành phố. Nếu lãnh đạo thành phố không quyết liệt kêu gọi vốn, đốc thúc tiến độ thì việc xây dựng hạ tầng đủ đáp ứng mục tiêu hạn chế xe cá nhân trong nội thành, trong đó có cấm xe máy sẽ kéo dài tới 20-30 năm. Các nghiên cứu cho thấy, khi nào phương tiện công cộng đạt được 50-60% nhu cầu đi lại, chính quyền mới có thể hạn chế xe cá nhân.
"Với tốc độ hiện nay, trung bình 10 năm chúng ta mới làm xong một tuyến tàu điện, nên thời gian tới cần quyết tâm rất mạnh của lãnh đạo thành phố thì mới đẩy nhanh tiến độ được", bà Bình nói. Trước mắt, ngành giao thông có thể dùng các biện pháp kinh tế như tăng phí trông giữ xe, thu phí vào trung tâm để giảm nhu cầu sử dụng xe cá nhân của người dân và có các biện pháp ưu tiên xe buýt để nâng thị phần.
Hà Nội hiện có hơn 5 triệu xe máy và hơn 500.000 ôtô các loại. Ảnh: Đ.Loan
Về đề xuất lưu thông xe biển số chẵn lẻ theo ngày chẵn lẻ, bà Bình cho rằng khó khả thi vì cơ quan chức năng rất khó ngăn chặn, xử phạt khi chưa có hệ thống nhận biết biển xe tự động và phạt tự động. Do đó, có thể 100 xe vi phạm thì cảnh sát giao thông chỉ phạt được một vài xe.
TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông) phân tích, trong 10-15 năm tới, dự kiến tỷ lệ giao thông công cộng ở Hà Nội mới tăng lên được 20-25%, chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 2030, Hà Nội chưa thể hoàn thành toàn bộ 5 tuyến đường sắt đô thị vì số tiền đầu tư lớn (1-2 tỷ USD mỗi tuyến), xe buýt cũng khó tăng thêm khoảng 1.000 xe, vì vậy nếu hạn chế phương tiện cá nhân thì "người dân không biết đi bằng gì".
Do đó, theo ông Thủy, Hà Nội vẫn nên cho lưu hành xe máy để phục vụ nhu cầu của người dân. Khi giao thông công cộng thuận tiện thì người dân sẽ tự điều chỉnh thói quen đi lại mà không cần cấm. "Ở Bangkok có khoảng 30% người dân sử dụng xe máy, nhiều thành phố Đông Nam Á không cấm xe máy, song vẫn phát triển giao thông công cộng phục vụ người dân", ông Thủy nói.
Trái với ý kiến ông Thủy, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Hà Nội cho rằng, thời điểm 2030 Hà Nội áp dụng hạn chế xe máy là hợp lý vì khi đó tình hình kinh tế xã hội đã phát triển, người dân sẽ chuyển dần đi xe công cộng và ôtô cá nhân.
"Mạng lưới xe buýt cần lưu thông mọi nơi, trên các tuyến phố cách 500 m phải có một điểm đỗ. Trong tương lai, người dân sẽ có thói quen đi bộ và tự điều chỉnh việc đi lại cho phù hợp khi thành phố cấm xe máy", ông Liên nói.
Đoàn Loan
Facebook Comments
|
Blogger Comments
|